Vua bại trận Việt vương Câu Tiễn

Năm 496 TCN, Doãn Thường qua đời, Câu Tiễn lên nối ngôi. Hay tin, vua Ngô Hạp Lư bèn đem quân đánh Việt. Câu Tiễn mang quân ra chống cự. Ông sai những kẻ sĩ quyết liều chết ra khiêu chiến. Họ dàn thành ba hàng, tiến đến trận tuyến quân Ngô, thét lên rồi tự đâm vào cổ. Quân Ngô đang mải nhìn thì Câu Tiễn thúc quân Việt thừa cơ đánh úp. Quân Việt đại thắng quân Ngô ở Tuy Lý, Hạp Lư suýt nữa thì mất mạng. Tướng quân của nước Việt là Linh Cô Phù lượm được chiếc giày Ngô Hạp Lư.

Quân Ngô thua to, bỏ chạy về nước. Hạp Lư bị trúng tên trước khi chết, dặn con là Phù Sai phải báo thù nước Việt. Sau đó Phù Sai lên ngôi vua.

Ba năm sau Câu Tiễn được tin Ngô Phù Sai ngày đêm luyện quân sĩ, sắp sửa đánh Việt để trả thù. Ông muốn mang quân ra đánh trước khi quân Ngô xuất trận. Phạm Lãi can nhưng Câu Tiễn không nghe, bèn cất quân. Vì xem thường lực lượng quân Ngô nên quân Việt đã thua to ở Phù Tiêu. Câu Tiễn bèn đem 5000 quân còn lại giữ và trốn tránh ở núi Cối Kê.[1].

Phù Sai đuổi đến, bao vây Cối Kê. Câu Tiễn hỏi kế Phạm Lãi. Phạm Lãi khuyên ông dùng lời lẽ khiêm nhượng, lấy lễ hậu để lấy lòng vua Ngô; nếu vua Ngô không chịu thì phải thân hành đến hầu hạ.

Câu Tiễn nghe theo, bèn sai đại phu Văn Chủng đến cầu hòa với Ngô. Phù Sai sắp ưng thuận thì Ngũ Tử Tư can không nên theo. Văn Chủng trở về báo với Câu Tiễn. Câu Tiễn muốn giết vợ con, đốt của cải châu báu, xông ra đánh để chịu chết. Văn Chủng ngăn Câu Tiễn nói:

Quan thái tể của Ngô tên là Bá Hi là người tham lam có thể dùng lợi để dụ dỗ. Xin nhà vua cho tôi lẻn đến để nói với ông ta.

Câu Tiễn đành phải xin đầu hàng, sai Chủng đem gái đẹp, của quý lẻn đến đưa cho Bá Hi. Bá Hi nhận rồi nói giúp với vua Ngô. Phù Sai nghe theo, cho nước Việt đầu hàng. Nước Việt không bị tiêu diệt nhưng Câu Tiễn bị bắt về nước Ngô. Sau đó ông phải chịu nhiều khổ nhục kể cả việc nếm phân của Phù Sai.[2]